ĐẠO ĐỨC KINH
Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên
lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ
trụ không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không
biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là đạo. Đạo mà diễn tả được thì đó
không còn là đạo bất biến nữa, tên mà gọi ra được thì đó không còn là tên
bất biến nữa.
(Ta gọi tiếng "trâu" để chỉ con trâu là do quy ước từ xưa đến nay, tiếng
"trâu" không phải là tên bất biến. Nếu từ xưa ta quy ước gọi tiếng "bò" để
chỉ con trâu thì ta sẽ gọi con trâu là "bò". Đạo thì không như vậy. Đạo bất
biến nên ta không thể diễn tả rõ ràng được, chỉ có thể dùng trực giác để
hiểu).
Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà
vạn vật tự chuyển động, bình thản vô tâm mà khéo sắp đặt mọi việc. Đạo trời
không thiên vị ai, luôn giúp đỡ cho người lương thiện. Lưới trời lồng lộng,
tuy thưa nhưng khó lọt (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất).<câu tủ của
Bao Công!>
Không tên là gốc trời đất, có tên là mẹ vạn vật. Đạo trời ví như cánh
cửa khép mở, vạn vật từ đó đi ra rồi lại trở về đó. Đạo có tính chất trừu
tượng, nó không có hình thù cụ thể, không thể nắm rõ, không sáng ở nơi rực
rỡ, không mờ ở nơi tối tăm và cũng không có tiếng động. Đạo vĩnh viễn không
có tên gọi. Vạn vật chuyển động theo một vòng tròn khép kín. Tất cả bắt đầu
từ "có", có lại bắt đầu từ "không". Lời nói hợp đạo nghe như ngược đời.
Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa, mưu trí xuất hiện rồi mới có trá
ngụy, gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu thảo, nước nhà rối loạn rồi mới
có tôi trung. Đạo ức chế vật cao, nâng đỡ vật thấp. Đạo trời lấy chỗ thừa mà
đắp vào chỗ thiếu hụt. Đạo người thì lấy của người nghèo mà thêm cho người
giàu, đây chính là nguồn gốc của sự hỗn loạn. Người khôn ngoan chỉ muốn một
điều là không muốn gì cả.
Trời có đạo mà xanh, đất có đạo mà yên, thần có đạo mà linh, biển nhờ có
đạo mà đầy, vạn vật có đạo mà thành, đế vương có đạo mà được thiên hạ.
Lời nói chân thật thì không hoa mỹ, lời nói hoa mĩ thì không chân thật.
Người thiện thì không mắc lỗi nên không cần phải biện bạch, người nào phải
biện bạch cho mình là người "không thiện". Người biết thì không nói, người
nói là người không biết [tri bất ngôn, ngôn bất tri].
Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng lại. Thảo mộc sinh ra
thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng. Cho nên cứng rắn, cáu giận là
biểu hiện của chết, mềm yếu, khiêm nhường là dấu hiệu của sống. Binh mạnh
thì không thắng, cây cứng thì lại bị chặt. Cứng mạnh thì phải ở dưới, mềm
yếu lại được ở trên.
Răng cứng thì chóng gãy, lưỡi mềm thì bền lâu
Mạnh về dám làm [can đảm, cương cường] thì chết, mạnh
về không dám làm [thận trọng, nhu nhược] thì sống. Hai cái đó cùng là mạnh
mẽ, mà một cái thì được lợi, một cái lại bị hại; ai mà biết được tại sao
trời lại ghét cái quả cảm, cương cường ? Danh dự với sinh mệnh, cái nào mới
thật sự quý ? Người khôn ngoan không bao giờ vì trọng cái danh hão mà xem
nhẹ tính mạng mình.
Lời hứa dễ dàng thì khó tin, người nào cho việc gì cũng dễ làm thì sẽ
gặp nhiều cái khó. Cho nên người hiểu đạo coi việc gì cũng khó mà rốt cuộc
không gặp cái gì khó. "Không" có nghĩa là "không có gì" nhưng phải "có cái
gì" thì mới có cái "không có". Trong tự nhiên, ngay cả những việc khó khăn
nhất cũng có thể thực hiện theo cách dễ dàng, việc lớn thành tựu từ những
hành động nhỏ hơn. Người khôn ngoan đạt những thành tựu vĩ đại là nhờ biết
chia nhỏ hành động của mình.
Cái gì ở yên thì dễ nắm, giòn thì dễ vỡ, nhỏ thì dễ phân tán. Ngăn ngừa
sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình. Cây lớn sinh
ra từ một cái mầm nhỏ; tháp cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất, đi xa
ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân. Thường gần tới lúc thành công thì lại dễ
thất bại, vì không cẩn thận như lúc ban đầu, dè sau như trước thì không hỏng
việc.
Người hiểu đạo trị thiên hạ theo chính sách "vô vi" (taking no action),
luôn giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều,
lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ
khi còn nhỏ [vì việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn khởi từ
nhỏ]. Cho nên người đắc đạo trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện
được việc lớn. Người đắc đạo làm việc mà không tư lợi.
Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh thần bất nhân, coi
trăm họ như chó rơm [Luật thiên nhiên không có tình thương của con người, cứ
thản nhiên, vô tâm với vạn vật, mùa xuân tươi tốt, mùa đông điêu tàn...].
Khoảng giữa trời đất như cái ống bễ lò rèn; hư không mà không kiệt, càng
chuyển động hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng
giữ sự yên tĩnh.
Người giản dị nhất thì không phải là người giản dị
Người khiêm tốn nhất thì không phải là người khiêm tốn - Lão Tử
Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra
đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai
thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Hiểu
như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng cương cường.
Người đánh xe giỏi không xông bừa tới trước. Người chiến đấu giỏi không
giận dữ, khéo thắng địch là không tranh với địch, khéo dùng người là hạ mình
ở dưới người. Đó là cái đức của sự không tranh, đó là cái khéo của sự dùng
người, đó là hợp với chỗ cùng cực của Đạo Trời.
Ngũ sắc làm người ta mờ mắt; ngũ âm làm người ta ù tai; ngũ vị làm người
ta tê lưỡi, hưởng thụ làm cho người ta mê muội, vàng bạc làm cho hành vi
người ta xấu xa. Cho nên bậc đắc đạo cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ
cái xa xỉ, đa dục mà chọn cái chất phác, vô dục. Bậc đắc đạo bận áo vải thô
mà ôm ngọc quý trong lòng.
Trời đất vĩnh cửu. Trời đất vĩnh cửu được là vì không sống riêng cho
mình, nên mới trường sinh được.
Người đắc đạo đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân
mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì họ không tư lợi mà
thành được việc riêng của mình ư?
Người cực khéo thì dường như vụng. Người nói giỏi thì dường như ấp úng.
Cử động thì thắng được lạnh. Nhưng yên tĩnh thì thắng được nóng. Vậy cứ
thanh tĩnh thì mọi vật sẽ đâu vào đấy.
Người quân tử gặp thời thì mặc áo gấm mà ngồi xe
ngựa, không gặp thời thì mặc áo vải thô mà đi chân đất. Người tốt thật sự
không ý thức được tính thiện trong việc làm của mình, trái lại kẻ dại dột
(the foolish) luôn cố gắng tỏ ra là mình tốt.
Không trọng người hiền để dân không tranh, không quý của hiếm để dân
không trộm cắp, không phô bày cái gợi ham muốn để lòng dân không loạn.
Chính trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, không ham muốn, không tranh giành, xương thì mạnh.
Khiến cho dân không biết, không muốn, bọn thông minh,
mưu trí thì không dám hành động. Theo chính sách "vô vi" thì mọi việc đều
yên ổn.
Không học thì không phải lo. Đem cái hữu hạn xét cái vô hạn, há chẳng
phải là ngốc lắm sao? Càng theo học thì mỗi ngày dục vọng, lòng "hữu vi"
càng tăng, theo đạo thì mỗi ngày dục vọng càng giảm, lòng "vô vi" càng tăng.
Con người có ba vật báu mà tôi ôm giữ cẩn thận, một là lòng nhân ái, hai
là tính tiết kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ. Vì nhân ái mà sinh
ra dũng cảm, vì tiết kiệm mà sinh ra sung túc, rộng rãi, vì không dám đứng
trước thiên hạ mà làm chủ được thiên hạ.
Nếu không nhân ái mà mong được dũng cảm, không tiết kiệm mà mong được
rộng rãi, không chịu đứng sau mà tranh đứng trước người thì tất hỏng việc.
Trời muốn giúp ai thì cho người đó lòng nhân ái để tự bảo vệ, lấy lòng nhân
ái mà giúp người đó.
Người sáng suốt nghe đạo thì cố gắng mà thi hành, người thường nghe đạo
thì nửa tin nửa ngờ, người tối tăm nghe đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì
đạo đâu còn là đạo nữa ?!
Vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng [nước chảy đá mòn]. Nước là
vật cực mềm, nó luôn tìm chỗ thấp mà tới [khiêm nhường], ngày đêm chảy không
ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm vào lòng
đất để nuôi vạn vật. Nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không
tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh
đi, cho nên đâu nó cũng tới được. Đạo cũng ví như nước vậy.
Yếu thắng được mạnh, mềm thắng được cứng, ai cũng biết như vậy nhưng
không ai thực hành được.
Vật bén nhọn thì dễ gẫy. Giữ cho chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; con
dao cố mài cho bén thì lại không bén lâu. Nghèo hèn chính là gốc của giàu
sang. Vàng ngọc đầy nhà [kim ngọc mãn đường], sao mà giữ nổi ? Nên biết khi
nào là đủ [tri túc]. Giàu mà kiêu căng, khoe khoang là tự rước họa vào thân.
Ba mươi nan hoa cùng qui vào một cái bánh xe, nhưng chính nhờ khoảng
trống không trong cái bánh mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén
bát, nhưng chính nhờ cái khoảng trống không ở trong mà chén bát mới dùng
được. Đục cửa, cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà cửa nhà
mới dùng để ra vào được, nhờ có cửa sổ mà nhà không tối.
Vậy ta tưởng cái "hữu" [bánh, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra cái
"vô" mới làm cho cái "hữu" có ích.
Vinh hay nhục thì lòng cũng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối
loạn. Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng rối loạn [mừng
rỡ mà!]; mất thì lòng rối loạn [rầu rĩ mà!]; cho nên mới bảo là vinh, nhục
sinh ra rối loạn. Vậy phải làm sao ? Chúng ta sỡ dĩ sợ vạ lớn là vì chúng ta
có cái thân. Nếu chúng ta quên cái thân mình đi, thì còn sợ gì lòng rối loạn
nữa ?!
Cho nên người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho
thiên hạ, thì có thể tin cậy vào kẻ đó được.
Người nào giữ được đạo thì không tự mãn, không cố chấp, cũng không tự
ái. Vì vậy nên mới có thể bỏ cái qua cái cũ mà chấp nhận cái mới được. Khi
xem xét sự vật, không được quên mặt đối lập của nó. Nghĩ đến cái hữu hạn thì
đừng quên cái vô hạn.
Đứng một chân thì không thể đứng được lâu, giang chân ra thì không thể đi
được, tự biểu hiện thì không bao giờ chói lọi, tự kể công thì không có công,
tự phụ thì chẳng khuyên bảo được ai, kẻ vẽ rắn thêm chân thì không trường
tồn. Thái độ đó được ví như thức ăn thừa, ung nhọt, người người đều ghét.
Thiên bất dung gian.
Cho cái đẹp là đẹp do đó mới có cái xấu; cho cái thiện là thiện do đó mới
có cái ác. Là vì "có" và "không" sinh ra lẫn nhau, "dễ" và "khó" tạo nên lẫn
nhau, cao thấp dựa vào nhau mà tồn tại.
Biết người là khôn, tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là
có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường. Biết thế nào là đủ là người
giàu; biết gắng sức là người có chí. Kẻ nào không rời bỏ những điều trên thì
sẽ được lâu dài, chết mà không mất là trường thọ. Người hiểu đạo làm việc
tuân theo quy luật tự nhiên, chỉ làm những việc cần thiết cho bản thân.
Hồn nhiên vô tư, vô dục như đứa trẻ mới sanh là có đức dày, ai cũng yêu
quý. Đứa trẻ mới sinh độc trùng không chích, mãnh thú không ăn thịt, ác điểu
không vồ. Xương yếu gân mềm mà tay nắm rất chặt, suốt ngày gào hét mà giọng
không khản, như vậy là khí cực hòa.
Tuyệt thánh, bỏ mưu trí dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân trở nên
hiếu hòa; dứt trí khôn, bỏ lợi lộc, không còn trộm giặc
Ba cái đó (mưu trí, nhân nghĩa, xảo lợi) vì chỉ là cái vẻ bên ngoài không
đủ để trị dân nên phải bỏ; khiến cho dân quy về điều này: ngoài thì mộc mạc,
trong thì giữ sự đơn giản, giảm tư tâm bớt dục vọng mới là tích cực.
Đạo trời không thiên vị ai, luôn ban ơn cho người có đức - Lão Tử
Giọng kính trọng khác với giọng xem thường bao nhiêu
? Thiện với ác khác nhau như thế nào ? Cái mọi người sợ ta không thể không
không sợ. Vũ trụ thật rộng lớn, không thể nào hiểu hết được.
Mọi người hớn hở như dự bữa tiệc lớn, như mùa xuân dạo chơi; bậc đắc đạo
điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ chưa biết gì, thản nhiên mà
đi như không có nơi để về. Mọi người có thừa, riêng bậc đắc đạo như thiếu
thốn, trong lòng thì trống rỗng! Mọi người đều có chỗ để dùng, riêng bậc đắc
đạo luôn bảo thủ. Người hiểu đạo khác người mà quý mẹ của muôn loài (tức
đạo).
Vạn vật tuần hoàn, trong dương có âm, âm cực dương sinh, có sinh ắt có
tử, trăng tròn trăng khuyết. Vạn vật biến đổi rồi trở về với đạo. Từ xưa đến
nay, đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo ra vạn vật. Chúng ta do đâu biết được vạn
vật ? Là nhờ đạo.
Có câu: "Khiêm tốn là gốc của cao quý". Người khôn ngoan giữ lấy đạo làm
phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho
là phải nên mới chói lọi, không tự kể công nên mới là có công, không tự phụ
cho nên mới hơn người. Vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình
được.
Có câu: "Cong (chịu khuất phục) thì sẽ được bảo toàn", há phải hư ngôn!
Nên chân thành giữ lấy đạo mà về với nó. Trong trời đất có bốn cái vĩ đại là
Đạo, tự nhiên, trời đất và con người. Luật con người nên bắt chước tự nhiên,
luật tự nhiên bắt chước luật của trời đất, luật trời đất bắt chước Đạo.
Ít nói thì hợp với tự nhiên. Cơn gió lớn không thể thổi suốt buổi sáng,
cơn mưa lớn không kéo dài suốt ngày. Ai làm ra những cái ấy? Chính là do
trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống chi là con người ? Người
hiểu đạo biết rằng không ai có thể đoán trước những gì tương lai nắm giữ.
Vũ khí là vật gây lo sợ, ai cũng ghét cho nên người hiểu đạo không dùng
binh khí. Chỉ dùng đến nó khi bất đắc dĩ, khi bảo vệ hòa bình, mà dùng đến
thì điềm đạm là hơn cả. Chiến thắng mà vui mừng tức là thích giết người.
Thích giết người thì không trị được thiên hạ. Chỗ nào đóng quân thì gai góc
mọc đầy. Sau cuộc chinh chiến tất có mất mùa.
Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trọng bên phải. Giết hại nhiều
người thì nên lấy lòng thương tiếc mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ
mà xử. Thắng mà không bức người, vì vật mạnh thì có lúc suy. Nếu không như
vậy thì là trái Đạo. Trái Đạo thì sớm bị tiêu diệt. Trị nước phải được tiến
hành cẩn thận, giống như việc nấu cá nhỏ. Người khôn ngoan làm việc mà không
bao giờ xảo trá, tư lợi.
LÃO TỬ
Lão Tử tức Thái Thượng Lão Quân là một nhà tư tưởng vĩ
đại của Trung Hoa cổ đại, là người sáng lập trường phái Đạo gia (đạo Lão).
Ông tên thật là Lý Nhĩ, tên thường gọi là lão Đam, người làng Khúc Nhân,
hương Lệ, nước Sở. Ông làm chức quan giữ sách nhà Chu, học rộng biết nhiều,
sau về quê ở ẩn. Tương truyền, trước khi về ở ẩn đến cửa quan, viên quan coi
cửa là Doãn Hỉ bảo:"Ông sắp đi ở ẩn, rán vì tôi mà viết sách để lại". Thế
là Lão Tử viết một cuốn sách chỉ gồm khoảng năm ngàn chữ bàn về "Đạo" và
"Đức" (tức Đạo Đức Kinh). Viết xong rồi bỏ đi, về sau không ai còn nghe đến,
không biết sống chết ra sao.
Tương truyền, Khổng Tử qua Chu thăm Lão Tử. Lão Tử cởi trâu ra tận đầu
làng đón Khổng Tử. Hai người đàm đạo với nhau trong ba ngày về Đạo. Đến khi
chia tay, Lão Tử bảo với Khổng Tử rằng: "Những người ông nói đó, thịt
xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ mà thôi. Tôi nghe nói người
giàu sang tiễn nhau bằng vàng bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi
không phải là người giàu sang, tạm coi mình là người nhân mà tiễn ông bằng
lời này: Người buôn giỏi thì giấu kĩ vật quý, xem ngoài như không có gì;
người đức cao thì tướng mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái
lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó
không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi"
Khổng Tử về đến nhà suốt ba ngày không ra khỏi cửa, bảo với môn sinh rằng:
"Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó bơi được; loài thú ta
biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, bơi thì dùng câu để bắt,
bay thì dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió cưỡi mây mà bay lên trời thì
ta không sao biết được. Nay ta gặp ông Lão Tử; ông là con rồng chăng ?"
Thực là ngược đời, cái triết học "ngược ngạo" của Lão tử lại sản sinh ra
cái lý tưởng cao thượng nhất về hòa bình, khoan dung, giản phác và tri túc.
Giáo huấn của ông gồm bốn điểm: trí tuệ nên như ngu độn, đời sống nên ẩn
dật, xử thế nên nhu nhược và tánh tình nên giản phác. Ngay đến nghệ thuật
Trung Hoa, từ ý thơ, ảo tưởng đến những lời tán tụng đời sống bình dị của
tiều phu, ngư phủ cũng không thể thoát ly triết học đó mà tồn tại. Nguồn gốc
của chủ nghĩa hòa bình của Trung Hoa là do cái quan niệm chịu nhận sự thất
bại tạm thời để chờ cơ hội thuận tiện, và do lòng tin rằng vạn vật trong vũ
trụ đều tuân theo cái luật vận hành phản phục; do đó không một kẻ nào vĩnh
viễn "u mê" bao giờ.
Tôi cam chịu mọi sự nhục trong thiên hạ - Lão Tử
Đến đời Tần-Hán, các đạo sĩ thuộc phái Đạo gia thờ Lão Tử nhưng không còn quan tâm nghiên cứu triết học Lão-Trang mà chỉ toàn lo bàn chuyện tu tiên, luyện thuốc trường sinh bất tử. Phái Đạo gia suy dần, tuy nhiên những tư tưởng của Lão Tử thì đã trở nên bất tử với thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng của Lão Tử không chỉ là một triết học nhân sinh mà còn là vũ trụ quan tiên báo khoa học hiện đại.